Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012
Gia đình nhã nhạc
Gia đình nhã nhạc
THANH SƠN -Chủ Nhật, 22/01/2012, 9:12 (GMT+7)
Nhã nhạc Huế là âm nhạc cung đình. Vì thế, nhã nhạc thường chỉ được tấu lên nơi cung điện hay những nơi trang trọng. Vậy mà ở một nơi thôn dã thuộc ấp 1, xã Phước Bình (Long Thành, Đồng Nai), từ nhiều năm nay, có một gia đình vẫn hàng ngày cùng chơi nhã nhạc trên bãi cỏ vườn nhà hay bên bờ suối.
Cả gia đình chơi nhã nhạc trên bãi cỏ vườn nhà
1. Khoảng 20 năm về trước, ở cái ấp 1 này, bỗng xuất hiện một cặp vợ chồng dáng vẻ thành thị chở nhau trên một chiếc xe cub 81 đã cũ. Hồi ấy, dân ấp 1 còn nghèo, xe máy hiếm hoi, thành ra với chiếc xe cub 81 ấy, cặp vợ chồng nọ đã được coi ngay là người khá giả. Cặp vợ chồng ấy tìm đến đây để mua đất đai. Nhưng lạ ở chỗ trong khi những người khá giả trên thành phố thường tìm mua đất mặt tiền hay có vị trí đắc địa, đi lại dễ dàng, thì cặp vợ chồng “khá giả” này lại cứ dắt nhau đi thật sâu vào bên trong, nơi chỉ thấy cỏ hoang, cây dại …
Vậy mà cặp vợ chồng ấy vẫn cứ tiếp tục vạch cỏ, vạch lá mà đi tiếp. Mãi đến khi thấy trước mặt là một dòng suối nhỏ chắn ngang, họ mới chịu dừng lại, hỏi mua mảnh đất đó. Hai vợ chồng cùng nhau phát hoang, dựng căn nhà nhỏ, đơn sơ, rồi ở lại sống đời thôn dã. Ở đây, họ mở một xưởng làm đàn tranh. Hàng ngày, hai vợ chồng cùng những người thợ cặm cụi làm từng cây đàn. Những lúc rảnh rỗi, họ lại cùng nhau luyện và chơi nhã nhạc cung đình Huế trong vườn nhà hay trên cái nhà sàn nhỏ dựng sát bên con suối mà họ gọi là suối “Bến Trăng”.
2. Cặp vợ chồng ấy là ông Vĩnh Tuấn và bà Phan Thị Thanh Thúy. Ông Vĩnh Tuấn là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Từ khi mới lên 3, Vĩnh Tuấn đã được mẹ rồi ông ngoại truyền dạy về âm nhạc dân tộc. Ông ngoại Vĩnh Tuấn vốn là một danh cầm của triều đình Huế.
Nhờ đó, Vĩnh Tuấn đã lĩnh hội được những cái hay nhất, tinh túy nhất của nhã nhạc cung đình Huế. Lớn lên, Vĩnh Tuấn đi học trường nhạc rồi làm giảng viên dạy đàn tỳ bà và kèn Clarinet tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Sau đó, ông chuyển sang dạy thỉnh giảng về văn học dân gian ở ĐH Sư phạm Huế. Năm 1980, ông vào Sài Gòn, mở một xưởng làm đàn tranh.
Nhờ cái xưởng đàn ấy mà Vĩnh Tuấn gặp được Thanh Thúy. Thanh Thúy cũng người gốc Huế. Do nhà nghèo quá, cô cùng mẹ phiêu dạt vào Lâm Đồng rồi tới Sài Gòn. Ở đây, cô gõ cửa xưởng đàn của Vĩnh Tuấn và được ông nhận vào làm việc. Vĩnh Tuấn làm đàn tranh rất cầu kỳ, cẩn thận. Một cây đàn từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, dài tới 2 năm trời … Nhưng Thanh Thúy không nản, quyết tâm theo nghề và trở thành thợ giỏi trong xưởng đàn. Không những thế, những tiếng đàn của Vĩnh Tuấn trong những đêm thanh vắng đã khiến cô cảm thấy rung động. Rồi một hôm, cô mạnh dạn gặp Vĩnh Tuấn để “bái sư”, xin ông cho cô được học đàn.
Và tình yêu chung với âm nhạc đã làm nảy sinh tình cảm nam nữ trong trái tim thày trò Vĩnh Tuấn – Thanh Thúy. Sau ngày thành hôn, họ tiếp tục làm đàn kiếm sống. Nhưng việc làm đàn ngày càng khó khăn vì người mua đàn ít dần đi, trong khi giá nhân công ở Sài Gòn lại trở nên đắt đỏ. Vả lại, Sài Gòn ngày càng náo nhiệt, ồn ào ảnh hưởng tới việc làm đàn tranh, vốn cần không gian thật yên tĩnh để thẩm âm cho từng cây đàn thật chuẩn xác, tinh tế. Đó là lý do đưa đẩy vợ chồng họ đến với mảnh đất vắng bên suối Bến Trăng.
Thời gian đầu, xưởng đàn của Vĩnh Tuấn đã giải quyết được việc làm cho một số lao động địa phương. Những cây đàn do ông làm ra được nhiều Việt kiều và người mê nhạc cụ dân tộc trong nước tìm tới hỏi mua. Nhưng càng ngày, khi người am tường và mê nhạc dân tộc càng ít đi, thì khách mua đàn cũng thưa vắng. Đã thế, năm 1998, một trận lụt lớn trên sông Đồng Nai, khiến cho nước ở suối Bến Trăng dâng cao tới 3 m, cuốn trôi gần hết đồ đạc, vật dụng sinh hoạt và nhất là những cây đàn tranh đang làm dở của Vĩnh Tuấn. Hai vợ chồng phải vật lộn với dòng nước lũ, mới vớt lại được khoảng 50 cây đàn. Vĩnh Tuấn ngậm ngùi: “Tôi giờ đã già yếu rồi, chẳng còn sức để hoàn thiện những cây đàn này. Vả lại, để làm nốt những cây đàn này, phải tốn rất nhiều tiền. Mà làm ra, chắc gì đã có ai mua, vì đàn tranh người ta làm để bán không kỹ như tôi làm, không cẩn xà cừ, không sơn mài …, nên giá rẻ hơn nhiều. Đành hy vọng 3 đứa con sau này sẽ hoàn thành”.
3. 3 đứa con của Vĩnh Tuấn và Thanh Thúy là Tôn Nữ Tần Tranh, Bảo Long và Bảo Thạnh. Từ khi các con còn nhỏ, ông bà đã cùng nhau truyền dạy những ngón đàn dân tộc, nhất là nhã nhạc cung đình Huế. Sẵn cái “gien” mê nhạc cổ truyền, ba chị em học đàn rất miệt mài, sáng dạ và đã lĩnh hội được hết những bài bản nhã nhạc cung đình Huế. Thấy các con đã thành tài, ông thành lập ban Tứ tuyệt Tơ đồng nhã nhạc, gồm vợ và các con. Mẹ gảy đàn nguyệt, Tần Tranh đàn tranh, Bảo Long đàn tỳ bà, còn Bảo Thạnh chơi nhị huyền. Ngày nào ban tứ tuyệt cũng cùng nhau chơi nhã nhạc, từ 10 bài trong Liễn Bộ Thập Chương tới Long Ngâm, Tứ Đại Cảnh, Đăng Đàn Cung … Hết chơi nhạc trên bãi cỏ rộng ở vườn nhà, cả gia đình lại đưa nhau lên căn nhà sàn bên suối Bến Trăng, cùng chơi đàn cho tới tận khuya.
Ban Tứ tuyệt chơi nhã nhạc ở Duyệt Thị Trang
Trên một phần đất trang trại, vợ chồng ông đã nỗ lực xây dựng một khu nhà theo lối xưa, mà ông gọi là Duyệt Thị Trang. Cái tên ấy như là sự gợi nhớ về Duyệt Thị Đường, nhà hát của triều đình Huế xưa. Mới đây, ban tứ tấu đã cùng chơi Nhã nhạc ở Duyệt Thị Trang để Hãng phim Đài TH TP HCM ghi hình làm DVD Hồn Quốc Nhạc. Ngoài ra, Vĩnh Tuấn đang cố gắng hoàn thiện 2 tâm nguyện khác là làm bộ ký âm riêng cho âm nhạc dân tộc và phối hợp nhạc lễ Phật giáo với nhã nhạc cung đình Huế.
Giáo sư Trần Văn Khê, người rất am tường về nhã nhạc, sau khi nghe ban Tứ tuyệt này chơi Nhã nhạc, đã phải thốt lời khen ngợi: “Đây là một gia đình đặc biệt. Mặc dù sống ở nơi xa xôi thành thị, ưa cảnh hoa đồng cỏ nội, nhưng lòng luôn luôn giữ được cái truyền thống của nhạc cung đình Huế, tức là đúng theo bài bản ngày xưa của nhạc cung đình.
Và các cháu đây tuy là tuổi nhỏ nhưng đàn rất chính xác, đưa được nét chân phương, giữ lại được những gì từ thuở cha ông để lại của ca nhạc Huế và những bài bản trong nhã nhạc Huế”. Nhắc lại lời khen ấy của Giáo sư Trần Văn Khê, Vĩnh Tuấn tâm sự “Lời của thày Khê khiến tôi cảm động lắm, vì như vậy là mình đang đi đúng đường”.
4. Từ hơn 1 năm nay, trang trại của Vĩnh Tuấn đã vắng hẳn vì cả 3 đứa con đều đã lên học trên Sài Gòn. Vợ ông cũng lên theo để chăm sóc con cái, đến cuối tuần bà mới về nhà. Đôi bàn tay của Vĩnh Tuấn, sau một cơn đột quỵ, giờ chơi đàn không còn hay như xưa nữa. Tiếng đàn vì thế cũng đã thưa vắng. Trang trại của ông, với giá đất bây giờ, chỉ cần bán đi một phần đất nhỏ thôi, là ông đã có tiền tỷ trong tay. Nhưng Vĩnh Tuấn kiên quyết không bán một mét đất nào. Ông bảo “Lượm trái dừa trong vườn đem bán đã đủ mua gạo ăn rồi. Thức ăn thì sẵn rau trong vườn, cá dưới suối. Tôi muốn giữ nguyên mảnh đất này với hy vọng sẽ là nơi gặp gỡ của những người yêu nhạc dân tộc, yêu nhã nhạc cung đình Huế”.
Bản quyền thuộc về Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tổng Biên tập: Lê Nam Sơn. Phó Tổng Biên tập: Trịnh Bá Ninh - Phí Văn Điển - Nguyễn Mạnh Thường - Nguyễn Ngọc Thạch
Giấy phép xuất bản số: 265/GP-BC ngày 29/8/2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin.
Địa chỉ: 1059 - Hồng Hà – Hoàn Kiếm – Hà Nội, Điện thoại: 04.38256492 – Fax: 04.38252923, Email: baonnvn@hn.vnn.vn.
Ghi rõ nguồn “Báo Nông nghiệp Việt Nam” khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)