Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Này các tỳ-khưu, không nên ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát

Nhân đọc câu hỏi của Sơn Dã Cuồng Nhân:  Nếu đây thực sự là  lời dạy của đức Thế Tôn. Bạn sẽ nghĩ gì.:
“Này các tỳ-khưu, không nên ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài.”
Thấy vấn đề có liên quan đến lễ nhạc nên đem chuyện hỏi ông già của Duyệt Thị Trang. Ghi lại đây đôi giòng vắn tắc để góp ý vào vấn đề trên.



Tôn giáo nào cũng có nghi thức hành lễ. Đạo Phật cũng không thoát ra ngoài thông lệ đó. Vì sự phong phú và đa dạng của các tông phái nên các nghi thức, hành lễ cũng khác nhau. Nghi là mẫu mực, khuôn phép. Lễ là lễ giáo, tôn thờ. Nghi lễ thường đi đôi với lễ nhạc. Lễ là kiểm soát hành vi; Nhạc là để cảm hóa lòng người. Thời đức Phật giáo lý được viết nên là để dạy cho người sống. Phật giáo ngày nay còn muốn siêu độ thêm cho người chết. Tụng kinh, xướng tán, niệm danh hiệu Phật theo lễ nhạc là mang ý nghĩa đó. 


Lễ nhạc Phật giáo mang màu sắc của nhã nhạc, mà nhã nhạc là những âm thanh huyền nhiệm của đất trời rất dễ đi vào lòng người. Triết lý của nhà Phật quá cao siêu nên giới phật tử bình dân khó thâm nhập. Thông qua nghi lễ, nhạc lễ, đạo lý cao siêu được cảm nhận bằng trái tim hơn là bằng trí óc. Trong kinh Phật có đề cập đến 7 quả vị tu chứng, trong đó có quả vị “Tùy Tín Hành” quả vị này thuộc về tình cảm và niềm tin đối với tam bảo bất khả tư nghì. Vì thế lễ nhạc trong phật giáo không chỉ là một pháp môn, một phương tiện mà còn là một tiếng nói vi diệu chuyển hóa con người đến với đạo pháp theo tinh thần “ Dục linh chúng sinh khai thi ngộ nhập Phật chi tri kiến.” Tiếng chuông ngân nga dìu dặt; Tiếng mỏ ấm áp thanh thoát đều là lễ nhạc. Có nhiều tượng thờ trong chùa trên tay cầm cây đàn Tỳ Bà, không phải vị đó thích ca hát. Tỳ Bà ở đây là một biểu pháp của nghi thức lễ nhạc. 


“Thế gian bảo ngữ Phật thuyết tận” Việc tốt ở thế gian đức Phật đều đã làm. Cho nên khi tán thán công đức của ngài qua nghi thức xướng, tán, tụng theo lễ nhạc phải biết nâng cao cảnh giới của mình thì mới có thể nhận thức đúng đắn. Để kết thúc xin dẫn câu nói của tổ sư trong luật sa di sớ chép rằng:” Giá biên na biên, ứng dụng bất khuyết” Bên Sự, bên Lý tất cả đều là phương tiện để đưa người vào đạo. Người học Phật phải biết tùy duyên mà ứng dụng. 
(Thanh Thúy ghi lại)

– Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Không có nhận xét nào: