Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

PHAN Ý LY CHIA SẺ VỀ CHUYỆN HỌC ĐÀN

Hôm qua đi chơi, tình cờ nói chuyện với một bạn đến từ Mỹ. Là giáo viên dạy nhạc tại một trường quốc tế. Bạn học piano và saxophone đã 20 năm.

Bạn: Tớ không biết rằng cứ tập luyện mãi cùng bao nhiêu kỹ thuật rồi để làm gì. Tớ không biết là để đạt được điều gì. Tớ nên đi về đâu. Hướng tiếp theo là gì..

Mình: Thầy tớ có nói, cao thủ chỉ đàn lên một tiếng là thiên hạ đã hồn bay phách lạc. Đàn một bài cho hay, và chỉ một bài thôi, chừng đó đã đủ nói lên tất cả. Hơn là đàn bao nhiêu bài mà bài nào cũng dở. Nếu tập luyện mà chỉ để gảy đàn cho đúng nốt nhạc thì dễ quá. Thầy dạy là làm sao trong một nốt mà tự mình có thể thiên biến vạn hoá để kể được tâm tư và nỗi niềm. Mỗi lần mỗi tâm trạng lại là một phiên bản khác nhau. Vì thế tớ cũng đi theo con đường đó.

Bạn (hít thở sâu): Cậu tập đàn bao lâu một lần?

Mình: Hàng ngày, hoặc hai ngày một lần. Nhưng mình không lên kế hoạch hay mục tiêu rõ ràng. Có thể nói mỗi lần tìm đến cây đàn, cũng giống như muốn được chơi với đàn, chứ không có gì căng thẳng. Chỉ là ngồi vuốt ve nó, thư giãn với nó, không đặt nặng vấn đề là phải đạt điều gì. Thường mỗi lần ngồi chơi như vậy tớ lại ngộ ra một vài điều thầy dạy, một vài kỹ thuật, một vài rung động khác..

Bạn: Tớ học nhạc ở trường bên Mỹ, ở đây môi trường học lúc nào cũng tạo cho bạn cảm giác "Mày còn chưa giỏi đâu" (You are not good enough). Rất áp lực..

Mình: Thầy tớ nói "đời người chơi đàn có bốn giai đoạn: sơ khởi là học để biết đàn; sau đó sẽ thu phục lòng người; đến giai đoạn thứ ba thì người nghệ sĩ sẽ chơi đàn cho chính lòng mình nghe; và sang “cảnh giới” thứ tư, tiếng đàn sẽ thoát tục, đi vào cõi tâm linh...

Mình nói đến đây thấy anh bạn mới quen ngồi lặng người đi suy ngẫm.

Mình kể cho bạn nghe về bài Lý con sáo. Tuy chỉ có hai câu "Ai đem con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng bay xa".. mà sau bao năm đã trở thành 40 làn điệu khác nhau đại diện cho 40 tỉnh thành.. Chẳng hiểu con sáo làm sao mà được nhắc đến nhiều thế. Nhưng dường như hình ảnh con sáo sổ lồng luôn đại diện cho sự ra đi của người mình yêu thương. Thày dạy là đàn bài Lý con sáo phải đàn làm sao cho .. con sáo bay trở về.
Chắc cũng do duyên tiền định, khi mình luyện tập bài Lý con sáo, người yêu của mình cũng vượt ngàn dặm tìm về chốn hoang vu để nối lại yêu thương với mình.

Thầy còn dạy ta không thể đi kiếm được tình yêu, tự tình yêu tìm đến. Nên một khi nó đã "gõ cửa trái tim" rồi, thì chớ có từ chối mà hãy đón nhận. Những lời ca của tiền nhân cũng dạy rằng dù người ta có bạc với mình thì mình cũng đừng để điều đó làm trái tim mình thôi yêu.

Trò chuyện với nhau thấm thoắt đã đến 3h sáng. Bạn chào tạm biệt và nói rằng đây là câu chuyện tuyệt vời, ý nghĩa và sâu sắc nhất mà bạn từng được nghe trong..27 năm cuộc đời. Rằng bạn rút ra quá nhiều bài học.. và ngay hôm sau bạn sẽ tập đàn, với một tâm thế hoàn toàn khác.

— với Duyệt Thị Trang.


Không có nhận xét nào: