Nhà thơ Ngọc Quế được xem như là một hiện tượng của nền thi ca VN. Sau 40 năm thành đạt kinh doanh trên đất Pháp. Đến tuổi 70 mới bắt đầu làm thơ. Trong 10 năm, xuất bản hơn chuc tập thơ rồi quăng bút xuất gia chuyên trì tụng Kim Cang Kinh cho đến khi viên tịch vào tuổi 90. Nói đến thơ Ngọc Quế thì không ai hiểu bà cho bằng Bùi Giáng. “Ít người biết rằng những năm cuối đời, ông đã dành không ít thời gian để hồn thơ của mình hòa âm vịnh họa hàng mấy trăm bài thơ của nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế, mặc dầu trong buổi gặp gỡ đầu tiên vào năm 1994 ông đã nói với bà Quế rằng ông không hề thích vịnh họa thơ ai hết. Nhưng khi bà Quế về rồi, ông giở các tập Tuyết Miền Viễn Xứ , Mây Trắng Đường Về, Giọt Nước Cành Sen, Đường Lên Đỉnh Biếc… của bà ra đọc và hốt nhiên ông rung động hội nhập vào dòng thơ ấy. Từ đó, ông cầm bút ngâm nga vịnh họa thơ bà Ngọc Quế một cách say sưa và miên man như gặp được một hồn thơ tri kỷ. Muốn viết bài thơ lên khói trắng. Để thơ theo khói tỏa muôn trùng - Bùi Giáng vịnh: Bài thơ muốn viết lên sương. Lên mây lên gió lên đường khói bay. Ông gọi bà Ngọc Quế là: "thượng thừa nữ vương thi ca. Một linh hồn vô tận để đi về, sẽ nói với mai sau của Đông Phương - Tây Phương một cái gì mà toàn thể địa cầu dường như đã đánh mất". Bà Ngọc Quế qua đời ngày 21.5 âm lịch (Đinh Hợi - 2007) tại TP.HCM.” ( trích : Giao Hưởng. Báo Thanh Niên) Từ khi về VN thường xuyên, bà kết giao với ni sư Huệ giác rồi trở nên thâm tình như đôi bạn tri kỷ tri âm. Mỗi khi phải chia tay để trở về Pháp hai người lại quyến luyến nhau như không muốn rời xa. Cảm xúc trước tình đạo, tình thơ, tình nhạc của 2 vị, nhà thơ cư sĩ Trụ Vũ đã phóng bút thư pháp:
“Bổng dưng mình tách đôi mình.
Cho mình bên nọ nhớ mình bên kia
Bổng dưng giọt nước mà chia.
Thành hai giọt nước chia lìa nhớ thương
Bổng dưng mình tách trùng dương.
Để cho mình lại nhớ thương chính mình
Bổng dưng mình tách đôi mình.
Cho mình bên nọ nhớ mình bên kia....”
Nhân đây cũng xin giới thiệu đôi lời về ni sư Huệ Giác. Ngài thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời 42. Hiện là ni trưởng viện chủ Quan Âm Tu Viện. Người được tiếp nối di nguyện của đức tôn sư Mẫu Trầu Bồng Lai khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại tổ đình Linh Sơn núi Dinh. Thuở trẻ sư cô Huệ Giác theo học nội trú trường trung học Gia Long Saigon. Tuy báo thân là nữ lưu nhưng là một nữ lưu xuất chúng được mọi người ngưỡng mộ gọi là “Ông Lục” Người đã tạo lập và xây dựng hơn 56 cảnh chùa. Khai phá trên 370 mẫu đất trồng rừng, trồng lúa. Hổ trợ cho hàng trăm tăng ni ăn học tại các tự viện. Nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em, người già, tàn tật neo đơn. Có lần ghé thăm Quan Âm Tu Viện tôi được trông thấy một cô gái tóc vàng mắt xanh, xăn quần đến tận đùi đẹp còn hơn người mẫu đang gánh nước thoăn thoắt trong sân chùa. Hỏi ra mới biết đây là một cô gái lai đã từng được bảo lãnh qua Mỹ theo chính sách. Sau một thời gian nhớ cơm chay, nhớ chùa nên xin trở về. Hóa ra trước đây ni sư Huệ Giác đã từng cưu mang nuôi dưỡng hơn 400 em con lai trên núi Dinh, hiện nay đa số đã định cư tại Mỹ và nay các em vẫn thường xuyên liên lạc với nhà chùa. Chúng tôi (Vĩnh Tuấn – Thanh Thúy) may mắn trong một dịp tình cờ được diện kiến ni trưởng Huệ Giác và được ngài đặt cho pháp hiệu là Khánh Hùng – Ngọc Khởi. Trở lại nói về nhà thơ Ngọc Quế. Có thể nói rằng trong lịch sử âm nhạc VN chưa có một nhà thơ nào được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đến thế. Từ Phạm Duy, Lê Yên, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ trẻ khác. Trong số nhạc sĩ phổ nhạc đã có một tác giả gặp sự cố đó là nhạc sĩ Doãn Mẫn của tình ca bất hủ Biệt Ly phổ bài ”Theo Ánh Thơ Sương” gồm 3 đoạn . Đầu mổi câu đều có chữ “Có chàng”
" Có chàng lạc giữa phù vân.
Ngẩn ngơ nhìn cuộc phong trần ngẩn ngơ
Có chàng tìm ánh thơ sương.
Kết thành hoa nắng trong vườn tâm tư
Có chàng đi giữa nắng tà.
Thả bao tiếng nhạc cho hoa chớm vàng…."
Vì chữ viết tay không rỏ của nhà thơ mà nhạc sĩ Doãn Mẫn đã phổ lầm thành chữ “Có chăng” suốt bài. Phải công nhận là Doãn Mẫn tài hoa. Từ dấu huyền đổi thành dấu á mà bài thơ đã chuyển sang một nghĩa khác với ý nhạc vô cùng lung linh huyền ảo. Trịnh Công Sơn là người ít phổ nhạc ai bao giờ, thế mà bài Giọt Nước Cành Sen đã làm cho GS Trần Văn Khê thích thú vừa hát vừa chơi trên đàn Tranh để biểu diễn một cách rất nhuần nhuyễn. Người viết bài này vì ngưỡng mộ nhà thơ mà thực hiện một CD phổ nhạc có tên là “Lời Thơ Ý Nhạc” .Di lưu đôi lời dẫn nhập của Người vẫn còn phảng phất đâu đây.
Theo dấu chân thơ lên núi biếc.
Còn nghe tiếng sáo ước mơ chiều…
.Nay dấu chân thơ đã ra đi biền biệt. Có ai ở lại nghẹn ngào cất tiếng hát :
"Xin gởi lại hoàng hôn bóng nhớ
Câu thơ tiếng nhạc cách muôn trùng
Với bao kỷ niệm trong lời hát
Còn thoảng trong sương trắng mịt mùng…"
Vĩnh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét