Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Đề Duyệt Thị Trang...

kính đề tặng Duyệt Thị Trang Trang Chủ cùng phu nhân,
         kính đề tặng các anh chị trong ban Tứ Tuyệt 



                 Duyệt Thị Trung Nam tuy hữu biệt,
                                   
                 Giang sơn cựu phách nhất hình dung… *
                                     

Ai rót hồn xưa giữa tiếng đàn,
Tơ buồn xao động bóng chiều tan…
Tay lồng mộng cũ miền Hương Ngự,
Tình gối niềm xưa giấc đá vàng…
Lắng cuộc phế hưng dài tuế nguyệt,
Nghe dòng hư ảo lạnh y quan…
Chiều sâu lắng cả cung đàn mộng,
Lối cũ ai về Duyệt Thị Trang…


Dã Hạc Cư 11.06.2014
hậu học sơn dã cuồng nhân cúi bái


lời nhà quê:


“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như thảo lộ đầu phô…” 

Vạn Hạnh thiền sư dùng hai chữ thịnh suy mới tài làm sao, đọc xong bài di kệ của Ôn bỗng nhớ lời Hoàng Bá đáp với Hoàng Đế “trên dòng sông ấy lão tăng chỉ thấy có hai con thuyền xuôi ngược, thuyền danh là thuyền lợi vậy”…đời bôn ba vì danh mà tất tả, vì lợi mà ngược xuôi, chung cuộc rồi cũng không vượt ngoài hai chữ phế hưng, đời qua đôi mắt thiền sư bỗng hiện lên chân thật đến ngỡ ngàng…

Phát triển là tiến trình của xã hội, đào thải là một trong những quy luật bất biến của tiến trình phát triển ấy, người ta dùng những từ hoa mỹ “sứ mạng lịch sử đã hoàn thành” chẳng qua chỉ là để che đi, hay làm giảm đi sự hụt hẫng khi phải đối mặt với  tiến trình THÀNH - TRỤ - HOẠI - KHÔNG…với cái nhìn minh triết, vạn vật tuần hoàn theo chu kỳ của nó, như cây kia xuân về xanh cành tốt lá, để thu sang thay áo đổi sắc vàng, không cần níu kéo cũng chẳng phải muộn phiền, bởi lẽ níu chẳng thể lưu giữ, phiền chẳng thể đổi thay, thấy muôn pháp đúng như pháp mới là chân pháp…

Khổ thay, “như nhau dọc mũi ngang mày, lòng phàm ý thánh cách nhau nghìn trùng”…kẻ phàm phu chúng ta, đôi khi không nhẫn tâm nhìn cái tâm huyết của tiền nhân vùi mài để rồi mất hút dưới lòng đất lạnh thời gian, thế nên, song hành cùng bước tiến vũ bão của xã hội, có những con người thật bé nhỏ nhưng nuôi mộng làm việc thật lớn, quyết tâm lưu lại, nếu không phải tất cả thì cũng phải một phần tiêu biểu, để hậu nhân còn biết nguồn gốc của cha ông trong những phút lắng lòng...

Duyệt Thị Trang là một nơi như thế!

Lấy gánh nặng quốc gia, mang hồn thiêng quốc nhạc đặt trên đôi vai những thành viên thật bé nhỏ trong một gia đình có nguồn gốc Đế đô, để chính từ đó mỗi bước chân đi, mang dáng dấp cả sơn hà sông núi…mỗi lúc tiếng đàn ấy vang lên, tôi lại như phiêu bồng giữa miền Hương Ngự, có gì đặc sắc ư?! Khó diễn tả thành lời, bởi lẽ bình dị thôi mà diệu kỳ đến lạ, đơn sơ thôi mà huyền ảo đến khôn cùng! Vậy thì diễn tả thế nào đây cho cái cảm xúc ấy, một chút phiêu bồng, một chút hoài cổ, một chút hương, một chút vị, mà chỉ cần một lần nghe cũng đủ để lòng lưu luyến đến trăm năm…chợt nhớ lời nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ “vầng trăng núi Ngự nước sông Hương, Ai chưa đến đấy hận muôn đường! Khi đã đến rồi không chi lạ, Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương”, chao ơi là tình,  là duyên đến lạ…

Chiều mưa phố nhỏ, nghiêng ấm trà nay phả lòng theo mỗi cung tơ rót hồn thiên cổ, chợt nhận ra nơi ấy, góc bình yên giữa xáo động kiếp phong trần…

Mấy lời thô lậu của kẻ tục ít học quê mùa, nhưng gói trọn cả cái tình mộ điệu gửi về Duyệt Thị Trang để làm quà tặng, hầu tiên sinh, phu nhân cùng các anh chị lúc trà dư tửu hậu. “Cao Sơn nhất khúc y nhiên tại, Thiên hạ hà phương mích Tử Kỳ”, dẫu đời nay dễ đâu dễ  tìm cho được đôi tai Chung Tử, nhưng phím Cao Sơn chứa chan tình Du Thụy , nguyện tiên sinh thương giúp lưu giữ cho cùng…


-----------
*Duyệt Thị Đường ở cố đô Huế và Duyệt Thị Trang ở miền Nam của Thầy Vĩnh Tuấn tuy là hai nơi khác biệt, nhưng hồn phách xưa của sông núi cũ, âu cũng là một hình hài như thế mà thôi.

Top of Form

Không có nhận xét nào: