Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

VINH DANH TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG NAM BỘ.


Buổi nói chuyện của Hồ Nhật Quang (26.10. 2014) với đề tài Trang phục truyền thống Nam Bộ…” thật là ấn tượng, Sự hiện diện với lời mở đầu của GS Trần Văn Khê đã làm không khí thêm phần trang trọng. Đặc biệt phần kết thúc có lời phát biểu của GS Nguyễn Đăng Hưng, TS Nguyễn Nhã liên quan đến vấn đề thời sự chính trị, văn hóa, lịch sử rất đáng suy ngẫm. Riêng Trang Duyệt Thị được mời cầm micro thì chỉ nói vài câu vì đây không phải là lãnh vực chuyên môn của mình.
“Tôi chỉ muốn nói đôi lời về Hồ Nhựt Quang mà mình vẫn thích gọi là Solomon VN. Bạn thật là một người đặc biệt,khi lấy tên Slomon làm biệt hiệu cho mình. Solomon là một vị vua nổi tiếng giàu có, khôn ngoan và nhiều tài năng. Tôi không biết bạn có giàu có không, nhưng tôi biết rằng bạn là một người có rất nhiều tài. Nếu thầy Trần Văn Khê là người thắp lửa cho bạn có động lực để nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật dân tộc thì hình ảnh của bạn, những công việc của bạn như hôm nay cũng đang là thắp lửa cho thế hệ đàn em tiếp nối noi gương. Sau ẩm thực, sau trang phục tôi hy vọng đề tài tiếp theo của bạn có liên quan đến âm nhạc để chúng tôi có điều kiện đóng góp được nhiều hơn. Nhìn thầy Trần Văn Khê thấy sức khỏe đã có phần hồi phục, chúng con rất mừng. Có lẽ chính nhờ những đêm sáng đèn sinh hoạt như thế này đã làm cho thầy vui mà thêm trường thọ. Xin cảm ơn Solomon VN. Xin cám ơn tất cả mọi người”.
Diễn giả Hồ Nhật Quang bên cạnh thầy và các thân hửu.
GS. Trần Văn Khê phát biểu mở đầu
Trang Duyệt Thị có đôi lời chia sẻ


GS Nguyễn Đăng Hưng, TS Nguyễn Nhã thăm hỏi thầy Trần Văn Khê.
NS Đàn Tranh Hải Phượng từ Đồng Nai cũng kịp về tham dự.
  
Ông Vĩnh Nguyên đại diện nhà tài trợ HD BANK chụp hình lưu niệm với gia đình DTT.

TẦN TRANH KẾT NỐI TRI ÂM. (nguồn FB Tần Tranh)

Hôm nay Tần Tranh rất vui được kết ban với N.R và T.M. Một người đang học năm cuối về QHQT một người làm nghành thiết kế. Hai bạn đều rất tài giỏi lại được ba mẹ TT hết lòng trao truyền tiếng đàn dân tộc thật đã làm cho TT ghen tỵ








Hai cha con Tần Tranh



SINH NHẬT MẸ TẦN TRANH. 28.10.2014 (nguồn FB Tần Tranh)

Tối nay ba hạ lệnh: Không say không ai được đi ngủ. Thế là thách nhau cụng ly thật vui, nhưng chưa đến 12 giờ thì hai cu cậu Long, Bảo đã lăn quay ra rồi. Mẹ cũng đi ngủ, chỉ còn lại Tần Tranh. Ba nói rất muốn nhắn các học trò lại nâng chén nhưng sợ khuya không có ai đưa về. TT đành ngồi lại hầu rượu nhưng ông bảo thôi đi ngủ đi, sáng mai còn chở ba ra xe về Long Thành sớm. Thế là mình chuồn lên lầu bắn mấy tấm hình trước khi ngáy !.


Ba chị em nâng ly chúc mừng mẹ.

Mẹ cất tiếng hát "Happy birth to me" với sự phụ đệm của các con.

Chỉ mới mấy ly mà 2 cu cậu gần lăn quay.

Tần Tranh tặng quà mẹ.





Phu thê Trang Duyệt Thị nâng ly lần thứ 30 nhân ngày sinh nhật

Chiếc bánh sinh nhật được ướp bằng rượu hoàng hoa do Tần Tranh chế biến.

TRỜI ƠI, HÔM NAY CON ĐẸP QUÁ

Trang Duyệt Thị vẫn quen xưng Chú và gọi mẹ cùa Tần Tranh bằng con. Nhiều người không hiểu hỏi sao lại xưng hô kỳ cục vậy. Thật ra đó chỉ là thói quen vô sự cách đây đã 30 năm rồi.
Nói đến thói quen thì rất nhiều chuyện để nói, nhưng có những thói quen thật không nên quen.
Hiện nay rất nhiều phụ nữ có thói quen bảnh mắt dậy là trang điểm, thói quen này đôi lúc kéo dài cho đến cuối đời. Các cô không hiểu được rằng đa số đàn ông chỉ thích ngắm nhìn khuôn mặt không trang điểm của người mình yêu thương. Vậy thì ta trang điểm vì ai. Nhất định sẽ có 1 ngàn lý do trả lời.
Những trẻ em ngày nay ở TP có triệu chứng bị bịnh phát phì vì có thói quen ăn quá nhiều chất đạm. Ngày nào cũng thịt cá ê hề nên không còn cảm thấy ngon miệng như những trẻ em vùng sâu vùng xa, lâu lâu mới được thưởng thức một lần. Chính cái “lâu lâu” đó là hương vị của cuộc đời mà những trẻ em no đủ ít khi được trải nghiệm.
Có những con người có thói quen ra đường thì phải đi xe hơi, ăn uống là phải vào nhà hàng sang trọng, trang phục thì nhât định phải là hàng hiệu thì mới chứng tỏ đẳng cấp giàu có, quyền lực của mình. Vì thế họ rất sợ mất đi những gì đang sở hửu. Người ta đã quên lời thánh nhân dạy :” Bất dữ nhân kỳ”. Đó là cuộc sống mong manh của kiếp người được tính qua từng hơi thở thì cớ sao mà cứ khư khư cái điên đảo mộng tưởng cho đời mỏi mệt.
Sáng nay đang làm cỏ chợt dừng tay vì nghe tiếng chó sủa, ngoảnh lại thấy có người con gái không trang điểm, tay cầm bầu hoàng hoa, tay xách hộp thịt gà, miệng cười thật tươi, thì ra mẹ của Tần Tranh đã vượt một quảng đường dài, nhưng chỉ đến được một lúc rồi quay về vì chiều nay phải dạy đàn. Xin cảm ơn nàng thật nhiều.
Giờ đây, ngồi giữa ngàn lau vừa nhắm rượu vừa gỏ linh tinh bởi tình cờ bắt gặp một câu của cô học trò viết trên FB.
“Không cần tới lúc chết, chỉ cần lúc đi tắm là trên người đã trần trụi rồi, chỉ có những gì ở trong đầu, trong tim là không mất đi bao giờ. Thầy dạy: nếu ở đời muôn sự là của chung thì chỉ có thời gian là của riêng mình mà thôi”.
Vâng, chỉ có thời gian là của riêng mình .Vì thế phải sống hết mình và ý nghĩa cho những khoảnh khắc của riêng mình con nhé.

Mỗi ngày đi phát cỏ 1 giờ. Vừa được tập thể dục vừa có được đường đi.

Cảm ơn nàng đã đến
  
Cuộc đời vẫn đẹp sao
Ngồi giữa ngàn lau mà suy ngẫm về "Bất dữ nhân kỳ".

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

DUYÊN TÌNH KẾT NỐI TRI ÂM.


Tối hôm qua (24.10.2014) DTT đã có một buổi giao lưu với một nhóm khách từ Hàn Quốc. Đây là phái đoàn làm việc thiện nguyện xã hội đến từ tỉnh Busan. TP. Busan được xem như là một thủ đô mùa hè với những bãi biễn tuyệt đẹp. Nơi đây còn nỗi tiếng với trường đại học quốc gia Busan và ngôi đền phật giáo Beomeosa.

Các bạn đến từ Busan có thể chưa am hiểu nhiều về tiếng Tơ Đồng và Nhã Nhạc Huế nhưng cung cách lắng nghe của các bạn đã làm cho chúng tôi rất cảm động. Xa xôi ngàn dăm mà chợt tao ngộ cùng nhau là một cái duyên. Qua trao đổi để rồi hiểu và thương nhau là cái tình. Cái duyên tình này Trang Duyệt Thị sẽ ghi nhớ mãi.


Ban Tứ Tuyệt khởi tấu Nhã nhạc
Mở đầu khúc dân ca Triều Tiên chào đón khách phương xa.

Khách tri âm lắng lòng thưởng thức.

Phần 2 chương trình. Ba chi em Tiếng Tơ đồng.

Bà trưởng đoàn tặng quà lưu niệm




 






Níu tay nhau mà chia tay vì đêm đã về khuya.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

THƯA THẦY. (đã đăng một cập nhật trạng thái lên dòng thời gian của bạn)

Nghi Lâm đã thêm 2 ảnh mới.
6 giờ ·  
THƯA THẦY,

Em nhớ như in một chiều mưa ở Huế, thầy rạng rỡ xuất hiện trước cửa phòng cư xá thông báo em được giải 3 cuộc thi hát dân ca. Thày về rồi thì "chàng Hoàng tử" là chủ đề các chị trong phòng tiếp tục bàn thảo sôi nổi (Ngày đó cư xá chật chội lắm, và sinh viên nữ các năm thường ở chung với nhau). Con bé 17 tuổi vừa xa ba mẹ là em càng nhận ra thầy được quá nhiều học trò yêu quý, đặc biệt là các chị sinh viên khoa văn. Ngày ấy, nhiều thứ ràng buộc quá... Trong trang vở của chúng em đầy những củ mì, bobo... và cả tiếng súng dù đất nước đã bình yên. Vì thế mà chưa cần thây đẹp như Hoàng tử thì những làn điệu dân ca thầy hát, thày dạy, thầy thắp lửa cho chúng em cũng đã là khác lạ, cuốn hút và mê say lắm rồi. Chắc chắn sẽ có nhiều cách cảm về giờ học dân ca trong gần 100 các cô chú, anh chị và bạn bè trong lớp em. Nhưng thầy ơi, giờ học Dân ca của thầy bao giờ cũng ngắn dù thời lượng không ngắn hơn các tiết học khác. Với riêng em, những làn điệu, lời ca ấy thật sự là dòng nước thoáng buồn nhưng thánh thiện, trong veo !
Thưa thầy, vào thời điểm đó, một anh trong lớp đã tự tay chép tặng em bài "Tương tư khúc", có vẽ cành tre như giải khăn xanh quấn quanh cảm xúc lặng thầm. Có thể anh ấy chưa một lần tâm sự cùng thầy để nói rằng nhờ dân ca mà anh ấy có một "Tương tư khúc" thăng hoa, nhưng em tin anh ấy (và những người biết trân quý dân ca như thế) không thể quên thầy và quên Huế ...
Thưa thầy, sau này em thường hát ru con bài "Chiều chiều dắt mẹ qua đèo...", lần nào cũng vẫn rưng rưng thương mẹ, thương con, thương nhớ xa xưa, và thương mình nhiều lắm ...
Thưa thầy, gần đây thôi, khi cùng đồng nghiệp dựng CD adio tập hợp những làn điệu dân ca tiêu biểu phục vụ học đường, em vẫn nghe đi nghe lại khúc tương tư mà nhớ thương về Huế rất nhiều ...
Thưa thầy, còn nhiều, nhiều lắm...
Bây giờ năm tháng đã chất chồng lên nhau, chúng em đã ở tuổi xong và gần xong nghĩa vụ với xã hội. Khoảng thời gian dài nhất của cuộc đời cứ cuốn mỗi cá nhân đi cùng lo toan vất vả, cùng những thiếu sót với ân tình mà chỉ khuya về, trước giấc ngủ, mỗi người mới vội vàng âm thầm nhớ, âm thầm thương để rồi lại âm thầm cố gắng. Thầy ơi, trong những bộn bề đó chưa bao giờ em mất niềm tin có rất nhiều học trò của thầy vẫn âm thầm thương nhớ Dân Ca !
Xin cám ơn nhân duyên đã cho em được gặp lại thầy, cảm ơn nhà thơ Võ Quê đã cho Trà Giang cùng nhà báo Toàn Đào Quốc, nhà thơ Trần Trí Thông một buổi sáng ấm áp bên thầy và đồng nghiệp.
Hẹn gặp lại Hoàng Hoa, chúng em kính chúc thầy cô và gia đình thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc !
Xới cày khổ đau trường đoạn
Gặt về thổn thức ngũ cung.
Hoàng Hoa cỏ cây trùng điệp
Thương thầy, nâng chén rưng rưng !
(Cùng với Duyệt Thị Trang, Que Vo và Toàn Đào Quốc tại Sgon, 19/10/2014)


Thương thầy nâng chén rưng rưng...

Nhà thơ Vỏ Quê cất tiếng ca Nam Bình với tiếng đàn Tranh phụ đệm của thầy Vĩnh Tuấn.



TRÀ GIANG ƠI,

Thấm thoát mà đã 40 năm qua. Cái thời các em đang còn là SV khoa Văn Trường ĐH Sư Phạm Huế mà nay đa số đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Và thầy, một nghệ nhân trẻ phải đóng vai  ông giáo già đứng trước bục giảng thì nay cũng đã đến tuổi thất thập cổ lai hy rồi. Mọi sự đều là tùy duyên. Nếu sáng nay em không gặp nhà thơ Võ Quê, nếu hôm nay thầy chưa về SG thì làm sao mà chúng ta có dịp ôn lại kỷ niệm xưa. Thầy không ngờ hồi đó các em đã gọi thầy bằng “chàng hoàng tử”. Hèn gì, đến giờ của thầy lúc nào trên bàn cũng có bình hoa với ấm trà thơm ngát. Các em đâu có ngờ rằng thầy ít quen uống nước, chỉ quen uống hoàng hoa. Và cứ mỗi cuối tuần thì lúc nào thầy cũng nhận được một giỏ quà, nào là đường, sữa, thuốc lá, bột ngọt và cả những cục xà phòng…Thầy đâu có ngờ rằng đó là tiêu chuẩn it ỏi của SV mà các em đã san sẻ cho thầy. Hôm nay gặp em để ôn lại kỷ niệm thật là cảm động. Em có biết không, trong cái rủi có cái may. Cái rủi chính là vì được các em yêu quí mà thầy bị nhiều đồng nghiệp để ý. Thầy đâu có ngờ rằng sau tiết học của thầy thì hoa và trà đều được cất đi; Thầy đâu có ngờ rằng mỗi tuần nhận quà tình nghĩa của các em là khuyết điểm; Thầy đâu có ngờ rằng mình đã phạm sai lầm khi làm cho các em đam mê nền văn học dân gian mà hờ hửng với nền văn học vĩ đại của Liên Sô và Trung Quốc. Người ta bắt thầy “tự phê bình” và thầy chỉ nói một câu.”Xin cám ơn tất cả, cho tôi được phép nghỉ dạy.” Thế là từ biệt mọi người mà không kịp nói lời chia tay. Cái may là sau đó thầy đã trở thành một nông dân được sống tự do,tự tại không phải lệ thuộc vào ai, lại còn sáng lập nên được ban TứTuyệt Nhã Nhạc để tiếp nối di sản của người xưa. Xin cám ơn Trà Giang đã ghé thăm và nhớ giữ lời hẹn là sẽ đưa các bạn khoa văn năm xưa lại nâng chén cùng thầy. Nhân đây cũng xin cám ơn nhà thơ Võ Quê đã tạo duyên cho thầy trò TDT được gặp nhau. Cám ơn nhà báo Đào Quốc Toàn đã góp mặt, cám ơn nhà thơ Trần Trí Thông đã ký tặng tập thơ. 

Thầy trò gặp lại nhau sau 40 năm
Cám ơn nhà thơ Vỏ Quê đã kết nối

Nhà thơ Vỏ Quê cao hứng cất tiếng ca Nam Bình với sự phụ đệm đàn Tranh của Trang Duyệt Thị

Nhà báo Đào Quốc Toàn (bìa trái) và nhà thơ Trần Trí Thông cùng nâng ly chúc mừng.

Sau 40 năm nghe có người gọi lại chức danh mình.